Dạy mèo biết đi vệ sinh đúng chỗ là một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đôi khi lại khiến cho khá nhiều con sen phải đau đầu. Nếu bạn vẫn còn đang gặp khó khăn trong việc tìm ra cách dạy mèo đi vệ sinh đúng chỗ thì hãy đọc ngay bài viết sau của Phạm Vinh. Chúng tôi sẽ mách cho bạn những tips cực hay giúp bạn huấn luyện mèo của mình một cách dễ dàng. Đặc biệt là bài viết sau sẽ bao gồm 2 cách hướng dẫn mèo đi vệ sinh trong chậu cát và trong bồn cầu luôn đấy. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Cách dạy mèo đi vệ sinh trong chậu cát
Với bản tính thích đào bới và lấp đất thì một số chú mèo đã tự biết đi vệ sinh đúng chỗ ngay khi bạn vừa trang bị chậu cát. Tuy nhiên, một số bé mèo con mất mẹ hoặc mèo hoang được nhận nuôi thì cần phải được hướng dẫn cụ thể. Bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:
Cố định vị trí đặt khay vệ sinh
Khay hoặc chậu vệ sinh của mèo nên được đặt ở một nơi cố định và có sự riêng tư. Bạn nên chọn đặt khay ở những vị trí như góc nhà, dưới gầm giường hoặc những nơi ít người qua lại. Điều này sẽ khiến mèo có cảm giác thoải mái và dễ chịu hơn khi đi vệ sinh.
Do vậy, bạn nên chọn đặt khay ở những nơi vắng vẻ như góc nhà, ít người qua lại. Mèo sẽ cảm thấy thoải mái và đỡ ngại ngùng hơn. Không nên đặt chậu cát vệ sinh ở những nơi ồn ào, đông người qua lại sẽ dễ khiến mèo bị hoảng loạn và tránh xa nhà vệ sinh của chúng.
Ngoài ra thì bạn nên hạn chế việc phải di chuyển khay vệ sinh của mèo. Nếu cần phải di chuyển khay thì hãy làm mọi việc thật từ tốn và chậm rãi. Sau khi di chuyển vị trí đặt chậu cát vệ sinh thì bạn có thể dẫn mèo đến nơi đi vệ sinh mới để mèo làm quen dần.
Một điểm cần lưu ý nữa là bạn nên đặt khay ở quanh khu vực sinh hoạt của mèo. Nhờ vậy mà mèo có thể đi vệ sinh mỗi khi chúng cần. Tuy nhiên, không nên đặt khay ở quá sát vị trí đặt thức ăn của chúng. Loài mèo có một thói quen là không bao giờ đi vệ sinh ở gần nơi mà chúng ăn uống.
Dạy mèo đi vệ sinh ngay từ nhỏ
Những bé mèo con chính là đối tượng dễ huấn luyện nhất. Ngay từ khi vừa đón bé về nhà bạn có thể tập cho bé quen dần với việc đi vệ sinh trong cát từ các khay nhỏ. Thông thường, mèo con sẽ đi vệ sinh ngay sau khi chúng vừa ăn no. Bạn có thể canh thời điểm này để đặt bé vào khay cát vệ sinh nhỏ để bé đi vệ sinh trong đó. Lâu dần chúng sẽ quen dần với cát vệ sinh và mỗi khi cần chúng đều sẽ biết đi vệ sinh đúng chỗ.
Một số chú mèo con có thể hơi “chậm hiểu” nên chưa thể hình thành thói quen đi vệ sinh trong cát một cách nhanh chóng. Lúc này bạn không nên nổi nóng mà hãy kiên trì lặp đi lặp lại hành động thả mèo vào chậu cát khi chúng cần đi vệ sinh. Hoặc để thúc đẩy nhanh quá trình huấn luyện, bạn hãy dùng khăn giấy thấm một ít nước tiểu của mèo (có thể thay bằng phân của mèo) và lót phía dưới đáy của chậu cát. Mèo có khả năng đánh hơi rất nhạy nên chúng sẽ nhận ra đây là nơi để mình thỏa sức “giải bày tâm sự”.
Giới hạn không gian đi vệ sinh của mèo
Mèo có bản năng đào đất và bới cát cực kỳ mạnh mẽ, chúng sẽ luôn tìm kiếm mọi nơi có đất cát để đào lỗ và đi vệ sinh. Vì vậy mà bạn hãy tập cho chúng thói quen chậu cát là nơi duy nhất mà chúng có thể đi ngoài. Bạn hãy dùng những miếng carton hoặc miếng che các gốc cây lại để mèo không thể đi vào đó.
Hãy khen ngợi mèo mỗi khi chúng đi vệ sinh đúng chỗ
Sau mỗi lần mèo con đi vệ sinh vào chậu cát, bạn hãy luôn khen ngợi chúng và thưởng cho chúng một vài món ăn nhẹ. Điều này sẽ giúp chúng biết rằng điều mình vừa làm là đúng và sẽ cố gắng làm tốt ở những lần sau. Nếu bé mèo của bạn có vô tình đi ra ngoài khay thì tuyệt đối đừng la mắng chúng. Điều này chỉ khiến chúng sợ hãi và không dám đến gần khay vệ sinh lần nữa.
Những lưu ý khác
Ngoài 4 lưu ý trên, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hãy sử dụng loại các loại cát vệ sinh cho mèo chất lượng, chính hãng và có khả năng thấm hút, vón cục và khử mùi tốt.
- Hãy thường xuyên làm sạch và dọn dẹp chậu vệ sinh mỗi ngày và khử trùng định kỳ 1 tuần/ 1 lần để không tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm hóa chất, sản phẩm có tính tẩy mạnh vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mèo.
- Nên lựa chọn khay/chậu vệ sinh có kích thước phù hợp với thể trọng và kích thước của mèo. Nếu khay vệ sinh quá bé sẽ khiến mèo cảm thấy khó chịu và không thể đi vệ sinh thoải mái. Lần sau chúng sẽ bắt đầu đi tìm kiếm những vị trí đắc địa khác để đánh dấu lãnh thổ.
- Hãy luôn sử dụng cát vệ sinh cho mèo đúng cách để hạn chế việc phân và nước tiểu của mèo bị dính chặt dưới đáy khay và khó làm sạch.
Cách dạy mèo đi vệ sinh trong bồn cầu
Chắc hẵn đây là phần mà các bạn cực kỳ mong chờ trong bài viết ngày hôm nay đúng không nào? Việc hướng dẫn mèo đi vệ sinh trong bồn cầu sẽ giúp bạn tiết kiệm được tiền mua cát vệ sinh chuyên dụng cho chúng. Ngoài ra thì khi mèo đi vệ sinh trong bồn cầu sẽ giúp cho việc dọn dẹp phân và nước tiểu cuat mèo dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:
Đặt khay cát vệ sinh trong toilet
Trong thời gian đầu huấn luyện, điều bạn cần làm chính là tập cho mèo quen với việc đi vệ sinh trong toilet. Bạn hãy đặt khay vệ sinh của mèo ở một góc ít bị văng nước nhất, sau đó cho mèo đi vệ sinh để làm quen dần.
Nâng độ khó của nơi mèo đi vệ sinh
Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng và quyết định hơn 50% sự thành công trong quá trình dạy mèo đi vệ sinh trong bồn cầu. Lúc này, bạn sẽ bắt đầu tập cho mèo làm quen với chiều cao của bồn vệ sinh bằng cách đặt khay cát lên bệ toilet. Bạn có thể cố định nó bằng cách đậy vành nhựa xuống hoặc dán băng keo để mèo không đánh bật chiếc khay ra khỏi bồn.
Điều này sẽ gây ra một chút khó khăn cho bạn và gia đình bởi vì không thể sử dụng nhà vệ sinh trong từ 3 – 4 ngày tới. Một lời khuyên dành cho bạn là nếu nhà bạn chỉ có duy nhất 1 chiếc toilet thì bạn có thể canh thời điểm mà mèo chuẩn bị đi vệ sinh thì hẵn bê thau cát đặt lên bệ toilet.
Thay thế khay cát bằng bộ dụng cụ huấn luyện
Sau 3 – 4 ngày khi bạn thấy mèo đã bắt đầu đi vệ sinh thoải mái ở độ cao của bệ cầu. Lúc này bạn có thể thay thế bằng bộ dụng cụ huấn luyện mèo đi vệ sinh chuyên dụng như Litter Kwitter hoặc Citykitty. Đây là những bộ dụng cụ bao gồm nhiều mảnh hình tròn và có kích thước tăng dần với lỗ bồn toilet ở giữa. Việc thay thế bộ dụng cụ huấn luyện sẽ tạo được thói quen và giúp cho mèo làm quen với bồn toilet nhanh hơn.
Việc sử dụng các miếng lót nên được sử dụng tuần tự như sau:
- Ở ngày đầu tiên, bạn hãy sử dụng miếng lót chuyên dụng có kích thước bé nhất để đặt vào chính giữa bồn cầu. Điều này sẽ giúp mèo có thói quen đi vệ sinh vào đúng lỗ được khoét và không bị vấy bẩn ra xung quanh.
- Cứ cách 2 – 3 ngày tùy theo tiến độ phát triển của việc huấn luyện mà bạn hãy thay dần các miếng lót có lỗ khoét lớn hơn.
- Cho đến miếng cuối cùng – cũng tức là miếng lớn nhất thì bạn hãy quan sát xem mèo của mình đã có thể đi vệ sinh thoải mái trên bồn cầu hay chưa. Nếu mèo đã ổn định thì bạn hoàn toàn có thể tháo bỏ miếng lót để mèo đi vệ sinh trên bồn cầu trống.
Tháo phần giá đỡ ở bồn cầu
Đây là bước cuối cùng trong cách dạy mèo đi vệ sinh trong bồn cầu. Lúc này mèo của bạn đã hoàn toàn có khả năng biết cách đi vệ sinh đúng cách. Bạn có thể tháo bỏ phần giá đỡ bồn cầu để mèo có thể đi tiểu tiện cũng như đại tiện trong bồn toilet.
Những lưu ý
- Hãy lưu ý rằng cách dạy mèo đi vệ sinh trên bồn cầu sẽ không phù hợp với các bé mèo mang thai, mèo có thể trạng yếu hoặc kích thước quá nhỏ.
- Hãy luôn mở cửa toilet để mèo có thể thoải mái ra vào và đi vệ sinh khi cần.
- Việc huấn luyện này sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với đi vệ sinh bằng cát. Trong quá trình này bạn cần hết sức kiên nhẫn và khen ngợi bé mèo để bé có động lực tập luyện.
- Trong trường hợp mèo của bạn đột nhiên ngưng lại ở bất cứ bước nào thì hãy bình tĩnh. Không nên dọa nạt các bé tiếp tục mà hãy kiên nhẫn quay lại bước trước đó để huấn luyện tiếp. Giả sử mèo vẫn chưa thể quen được thì bạn hãy quay lại bước đầu tiên để bắt đầu lại.
- Việc cho mèo đi vệ sinh trên bồn cầu sẽ đi ngược lại với bản năng đào bới của chúng. Chính vì vậy phương pháp này không phải bất kỳ em mèo nào cũng có thể học được. Bạn không nên quá ép buộc mèo của mình và hãy luôn dành nhiều sự cảm thông cho các bé nhé!
Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu xong 2 cách dạy mèo đi vệ sinh đúng chỗ ngay tại nhà. Phạm Vinh hy vọng bài viết trên đã mang đến cho thật nhiều thông tin bổ ích. Nếu bạn có những cách dạy mèo đi vệ sinh đúng chỗ khác thì hãy chia sẻ ngay để mọi người cùng biết với nhé!