Bệnh Parvo là một căn bệnh thường gặp ở mọi giống chó. Hiện nay, bệnh đã có vacxin phòng ngừa nhưng vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy mà bạn nên làm tốt công tác phòng bệnh để cún cưng luôn được khỏe mạnh. Vậy, bệnh Parvovirus trên chó là gì? Nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị của căn bệnh này như thế nào? Cùng Phạm Vinh tìm hiểu ngay trong bài viết sau nhé!
Bệnh Parvo trên chó là gì và nguyên nhân gây bệnh
Parvo có tên khoa học là Canine Parvovirus hay còn gọi là bệnh viêm ruột – dạ dày trên chó. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1978 và được chia thành 3 chủng loại là CPV-2a, CPV-2b, CPV-2c. Trong số đó thì chủng virus phổ biến nhất trên thế giới là chủng CPV-2b.
Bệnh gây ra do virus Parvovirus bùng phát trong dạ dày của chó và có khả năng lây nhiễm cao, tỷ lệ tử vong trên 80%. Hiện bệnh không có thuốc đặc trị mà chỉ có thuốc hỗ trợ điều trị. Chính vì thế mà đây được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm trên chó.
Bệnh thường xảy ra ở mọi giống chó con dưới 3 tuổi với độ lây lan nhanh. Đặc biệt là chủng Parvovirus thường bùng phát rất mạnh khi thời tiết chuyển mùa, mưa – nắng thất thường, nóng – lạnh đột ngột. Bệnh thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác trên chó như Corona, viêm ruột xuất huyết, cầu trùng,… Vì vậy khi phát hiện chó có dấu hiệu nhiễm bệnh Parvo thì không nên tự ý chữa tại nhà mà cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Triệu chứng khi chó mắc bệnh Parvo
Khi bị nhiễm chủng Parvovirus thì trong vòng 3 – 10 ngày đường ruột của chó sẽ xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, phần lớn những chú chó trưởng thành thường không xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào sau khi bị phơi nhiễm. Các triệu chứng sẽ thường thể hiện rõ rệt ở chó con như:
- Tiêu chảy kèm máu
- Nôn mửa không rõ lý do
- Chó bị sốt liên tục nhiều ngày
- Chó trở nên trầm tính, không còn vận động thường xuyên
- Cún trở nên biếng ăn, ăn không ngon miệng
- Sụt cân đột ngột và xuất hiện tình trạng mất nước trầm trọng
Bệnh Parvo ở ruột có thể hủy hoại niêm mạc ruột, khiến protein và máu lưu thông kém, bị rò rỉ trên thành ruột. Điều này có thể dẫn đến một số bệnh nặng như nhiễm trùng huyết, thiếu máu, giảm bạch cầu nghiêm trọng,… Nếu bạn thấy chó xuất hiện những triệu chứng này thì bạn hãy đưa chó đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Điều trị bệnh Parvo trên chó như thế nào
Như đã nói ở trên, bệnh Parvo hoàn toàn không có thuốc đặc trị. Vì vậy bác sĩ sẽ điều trị dựa trên các triệu chứng mà chó con của bạn đang mắc phải. Bệnh Parvovirus thường khiến chó con bị mất nước do tiêu chảy, nôn mửa nặng. Để chống mất nước thì bác sĩ sẽ bổ sung chất điện giải, protein và chất lỏng cho cún. Trường hợp chó bị mất nước nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ cho dùng chất lỏng IV hoặc một số loại thuốc chống tiêu chảy.
Một trong những triệu chứng mà bệnh Parvo gây ra là làm giảm số lượng bạch cầu trên chó. Điều này sẽ gây suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến chó dễ bị nhiễm khuẩn thứ cấp. Từ đó dẫn đến làm hỏng thành ruột của chó và tăng khả năng nhiễm trùng đường ruột. Bác sĩ có thể sẽ kèm một số thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng.
Mặc dù tỷ lệ tử vong khi không được điều trị của căn bệnh này lên đến hơn 80%. Tuy nhiên, song song đó cũng cần nhìn lại tỷ lệ sống của những con chó được điều trị thú y là >60 đến 92%. Vì vậy, khi phát hiện chó có những triệu chứng trên thì cần đưa chó đến cơ sở thú y gần nhất để thăm khám.
Cách phòng ngừa bệnh Parvo trên chó
Cách phòng tránh bệnh Parvo tốt nhất chính là cho chó tiêm phòng vacxin đầy đủ theo đúng định kỳ. Điều này sẽ giúp hạn chế chó bị nhiễm virus ở mức tối đa. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số điều dưới đây để chó luôn được khỏe mạnh:
- Bổ sung một chế độ dinh dưỡng tốt, giàu protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Chú ý đến việc vệ sinh bát ăn, bát uống cũng như khu vực sinh hoạt của chó.
- Bệnh Parvo có thể lây nhiễm từ các mầm bệnh như chó hoang, nơi từng có chó bị nhiễm virus. Vì vậy bạn nên thực hiện cách ly những cá thể chưa nhiễm bệnh để tránh lây nhiễm.
- Chó sau khi được chữa trị bệnh thì cũng cần cách ly với chó khỏe mạnh từ 3 – 6 tháng. Bệnh Parvo rất dai dẳng và khó phân hủy, vì vậy phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.
Giải đáp thắc mắc liên quan đến bệnh Parvo trên chó
Ngoài những vấn đề như nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh Parvo. Phạm Vinh cũng nhận được rất nhiều câu hỏi xoay quanh chủng virus nguy hiểm này. Cùng tìm hiểu ngay nhé:
Bệnh Parvo trên chó có lây sang người không?
Bệnh Parvo trên chó chỉ lây lan giữa các chú chó với nhau, không lây từ chó sang mèo hoặc lây sang người. Nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan, bởi đây là một loài virus tiến hóa nhanh và rất khó đoán. Trong tương lai chúng có thể đe dọa con người bất kỳ lúc nào. Vì vậy khi phát hiện ra mầm bệnh phải điều trị triệt để, tổng vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
Chữa bệnh Parvo ở chó tại nhà có được không?
Bệnh Parvo KHÔNG NÊN được điều trị tại nhà. Căn bệnh này cần phải theo dõi, truyền nước và bổ sung thuốc hỗ trợ liên tục nếu không chó hoàn toàn có thể tử vong. Bạn nên đưa bé đến phòng khám thú y để được thực hiện các xét nghiệm, chuẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp nhất.
Bệnh Parvo ở chó ngày thứ mấy nặng nhất
Giai đoạn phát bệnh là giai đoạn chó sẽ có biểu hiện rõ ràng nhất và nguy hiểm nhất. Thời gian phát bệnh của chó thường kéo dài từ 3 – 7 ngày sau khi bị phơi nhiễm. Chó bị Parvo giai đoạn cuối nếu không được xử lý kịp thời và hiệu quả, tính mạng của chú chó có thể bị đe dọa.
Bệnh Parvo ở chó kéo dài bao lâu?
Chó mắc bệnh Parvo thường sẽ phục hồi sau 7 – 14 ngày tiếp nhận thăm khám và điều trị. Trong giai đoạn này chó sẽ khôi phục khả năng ăn uống cũng như vận động. Tuy nhiên không ai có thể chắc chắn là chó sẽ không bị tái nhiễm hoặc còn tồn tại một lượng lớn virus trong cơ thể. Việc chăm sóc và quan sát chó cần được thực hiện một cách cẩn thận.
Độ tuổi nào của chó dễ bị nhiễm bệnh Parvo nhất?
Bệnh Parvo ở chó thường bùng phát ở chó con từ 6 đến 20 tuần tuổi. Trên 85% ca lây nhiễm đều phát sinh từ những chú chó con dưới 1 tuổi. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa cùng hệ thống miễn dịch của chó lúc này vẫn còn khá non nớt. Số lượng tế bào phân chia trong ruột và dạ dàng của chó con nhiều và chưa ổn định như các con chó trưởng thành. Vì vậy tỷ lệ nhiễm bệnh và lây truyền của chó trong độ tuổi này là rất cao.
Giống chó nào dễ bị nhiễm Parovirus?
Bệnh Parvo hoàn toàn có thể lây nhiễm ở bất kỳ giống chó nào. Tuy nhiên, dựa trên nhiều nghiên cứu cho thấy các giống chó ngoại lại có khả năng nhiễm cao hơn các giống chó ta như chó cỏ, chó mực,…. Tỷ lệ những chú chó trưởng thành bị nhiễm parvovirus ít hơn những chú chó nhỏ (dưới 3 tuổi).
Bệnh Care và bệnh Parvo ở chó có giống nhau không?
Bệnh Care và bệnh Parvo trên chó là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau. Mặc dù chúng có một số triệu chứng tương tự như sốt, tiêu chảy, nôn mửa,… Tuy nhiên, bệnh Care lại có phần nguy hiểm hơn bệnh Parvo và thường cần điều trị nội trú để theo dõi tình hình. Một số cơ sở thú y còn từ chối tiếp nhận điều trị bệnh Care do mức độ rủi ro của bệnh.
Vậy là Phạm Vinh đã cung cấp đến bạn tất tần tật mọi thông tin về căn bệnh Parvovirus trên chó. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị và tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và chữa trị đúng cách thì bệnh vẫn có khả năng chữa khỏi. Vì thế mà nếu thấy chó nhà mình có xuất hiện những triệu chứng trên thì hãy đưa bé đến phòng khám thú y để điều trị bệnh nhé!